Những phương pháp dạy tiếng Anh qua sách vở giúp thầy cô truyền tải kiến thức đến học sinh một cách bài bản. Tuy nhiên, những phương pháp này đôi khi lại có thể gây nhàm chán, dẫn tới việc làm giảm hiệu quả học tập của các em. Để sôi động hóa các tiết học, thầy cô có thể áp dụng top 7 trò chơi tương tác trên lớp đơn giản, dễ thực hiện mà FLYER sắp giới thiệu ngay sau đây. Những trò chơi này giúp thầy cô không chỉ “khuấy động” không khí lớp học, mà còn mang đến những bài giảng chất lượng nhất. Mời thầy cô cùng tham khảo!
1. Top 7 trò chơi tương tác trên lớp
1.1. Hangman
“Hangman” là một trò chơi học tập “bất hủ”, dù đã trải qua bao thế hệ thì trò chơi này luôn là sự lựa chọn của nhiều thầy cô. “Hangman” thường được áp dụng trong các tiết học/ ôn tập từ vựng và phù hợp với một nhóm lớn, có thể lên đến 30-40 người chơi.
Luật chơi:
- Thầy cô chia học sinh thành nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ có một hình vẽ giá treo cổ (thầy cô có thể in sẵn trên giấy hoặc vẽ trực tiếp lên bảng).
- Thầy cô cung cấp từ vựng bị thiếu một vài chữ cái (Ví dụ: w_ _ er_ _ lon), sau đó lần lượt đưa ra nhiều gợi ý bằng tiếng Anh để các em đoán được từ vựng này.
- Các nhóm sẽ giơ tay để giành quyền trả lời. Với mỗi lần trả lời sai, hình vẽ giá treo cổ của nhóm đó sẽ bị vẽ thêm một nét để tạo thành hình người treo cổ. Khi hình vẽ hoàn thiện, nhóm sở hữu hình vẽ đó là nhóm thua cuộc.
- Trò chơi sẽ tiếp tục đến khi tìm ra nhóm chiến thắng.
1.2. I went to the market
“I went to the market” là trò chơi tương tác tiếp theo mà FLYER muốn gợi ý đến thầy cô. Trò chơi này cho phép học sinh luyện tập cách đặt câu và trau dồi từ vựng hiệu quả, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến lượng từ trong tiếng Anh. Ngoài ra, trong quá trình tham gia trò chơi, khả năng ghi nhớ của trẻ cũng được nâng cao đáng kể. “I went to the market” có thể được chơi dưới hình thức cá nhân hoặc chia nhóm, không giới hạn số lượng người tham gia.
Luật chơi:
- Học sinh đầu tiên bắt đầu trò chơi với câu nói “I went to the market to buy + (lượng từ) + vật”, ví dụ: I went to the market to buy a pair of shoes.
- Học sinh thứ hai lặp lại câu nói của học sinh đầu tiên (I went to the market to buy a pair of shoes) và bổ sung thêm một vật khác theo sau một lượng từ thích hợp (ví dụ: a kilogram of rice): “I went to the market to buy a pair of shoes and a kilogram of rice.”.
- Học sinh thứ ba lặp lại toàn bộ câu của học sinh thứ hai và nối tiếp bằng một vật khác kèm lượng từ thích hợp (ví dụ: a bottle of juice): “I went to the market to buy a pair of shoes, a kilogram of rice and a bottle of water”.
- Trò chơi tiếp diễn lần lượt với những học sinh còn lại. Nếu có một học sinh không thể lặp lại chính xác câu trước đó, học sinh này sẽ bị loại. Lúc này, thầy cô cần trao quyền lặp lại cho học sinh tiếp theo cho đến khi tìm ra người thắng cuộc.
1.3. Quick Jeopardy
“Quick Jeopardy” là trò chơi vô cùng hữu ích để thầy cô áp dụng cho việc truyền đạt kiến thức một cách thú vị đến với học sinh. Trò chơi này không giới hạn số lượng người tham gia và có thể được dùng để truyền tải bất kỳ kiến thức ngữ pháp hay từ vựng tiếng Anh nào.
Luật chơi:
- Thầy cô chuẩn bị sẵn các bộ câu hỏi ở nhiều chủ đề (số lượng câu hỏi tương ứng với số lượng người chơi) và ghi các câu hỏi thành một danh sách.
- Mỗi câu hỏi có một điểm số riêng tỉ lệ thuận với độ phức tạp của chúng.
- Người tham gia sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi theo danh sách, mỗi người trả lời một câu hỏi và tiếp tục chuyền danh sách cho người tiếp theo trả lời.
- Mỗi câu trả lời đúng sẽ nhận được số điểm tương ứng của câu hỏi, học sinh trả lời sai sẽ không được điểm của câu đó.
- Khi kết thúc bộ câu hỏi, người nào đạt điểm số cao nhất sẽ là người chiến thắng.
1.4. Kim’s Game
Trò chơi “Kim’s Game” thường được ưa chuộng trong những tiết học từ vựng. Với trò chơi này, học sinh không chỉ được luyện tập từ vựng tiếng Anh, mà còn rèn luyện trí nhớ hiệu quả. “Kim’s Game” có luật chơi khá đơn giản và không giới hạn số lượng người tham gia. Do vậy, thầy cô có thể thực hiện một cách dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào của tiết học.
Luật chơi:
- Thầy cô chuẩn bị flashcards hoặc đồ vật thật (nếu có) liên quan đến những từ vựng trong bài, sau đó gắn flashcards lên bảng, hoặc đặt đồ vật lên bàn trước mặt học sinh.
- Thầy cô chia lớp thành các nhóm khác nhau, hướng dẫn các em dành 2-3 phút để ghi nhớ những flashcards, đồ vật trước mặt.
- Sau 2-3 phút cho học sinh ghi nhớ, thầy cô yêu cầu học sinh che mắt, nhắm mặt lại hoặc quay mặt đi, và tiến hành cất đi một flashcard/ đồ vật bất kỳ.
- Các nhóm mở mắt nhìn và đoán xem flashcard hay đồ vật nào đã bị cất đi, sử dụng từ vựng tiếng Anh liên quan. Nhóm nào có nhiều đáp án đúng nhất là nhóm chiến thắng.
1.5. Music Band
“Music Band” là trò chơi kiểm tra vốn từ vựng của học sinh, có thể được áp dụng cho tất cả các nhóm với quy mô từ nhỏ đến lớn. Luật chơi của trò này khá đơn giản nhưng lại có tính tác đáng kể.
Luật chơi:
- Thầy cô chia lớp thành các nhóm khác nhau, đưa ra một chữ cái bất kỳ với số lượng nhất định được yêu cầu có trong từ vựng cần tìm. Ví dụ: 2 chữ “p”.
- Từng nhóm lần lượt đưa ra đáp án theo yêu cầu của thầy cô. Ví dụ: “apple” là đáp án đúng vì có 2 chữ “p”, “plan” là đáp án sai vì chỉ có 1 chữ “p”.
- Sau mỗi lượt chơi, thầy cô sẽ tiếp tục thay đổi yêu cầu. Ở cuối trò chơi, nhóm nào đưa ra được nhiều từ nhất sẽ chiến thắng.
1.6. Chuỗi từ
Trò chơi “Chuỗi từ” gần giống với “Nối từ” – một trò chơi thú vị và đình đám một thời. Trò chơi này phù hợp để học sinh ôn tập từ vựng, thường được tổ chức với các nhóm từ 5-10 học sinh.
Luật chơi:
- Thầy cô bắt đầu bằng một từ vựng tiếng Anh bất kỳ, ví dụ: pizza.
- Lần lượt các em học sinh sẽ phải đưa ra một từ vựng có chữ cái đầu tiên là chữ cái cuối cùng của từ vựng trước đó, ví dụ: pizza → angel → linear…
- Học sinh nào không thể đưa ra đáp án trong vòng 10-15 giây sẽ bị loại.
Để trò chơi thêm phần thú vị và thử thách, thầy cô cũng có thể giới hạn từ vựng đưa ra phải thuộc một chủ đề nào đó, ví dụ: chuỗi từ vựng thuộc chủ đề động vật: elephant → tiger → rat …
1.7. Hedbanz
“Hedbanz” là trò chơi học tập tương tác khá nổi tiếng ở nhiều quốc gia. Trò chơi này giúp học sinh không chỉ nâng cao khả năng tiếng Anh mà còn rèn luyện tư duy logic hiệu quả. Thầy cô có thể áp dụng “Hedbanz” cho lớp học từ 20-40 học sinh.
Luật chơi:
- Thầy cô chia lớp thành các nhóm, lần lượt mỗi thành viên của từng nhóm sẽ lên ngồi trước lớp.
- Thầy cô dán một tấm giấy có từ vựng bất kỳ lên trán của học sinh được chọn, yêu cầu em đặt các câu hỏi Yes/No cho nhóm mình để tìm ra từ vựng được ghi trên giấy, ví dụ: từ vựng được ghi là “ruler” → học sinh đặt các câu hỏi Yes/No như “Is it smaller than a table?”, “Is it a noun?” v.v… và nhận được câu trả lời “Yes” hoặc “No” từ nhóm mình để cố gắng đoán ra từ vựng.
- Thầy cô có thể giới hạn số lượng câu hỏi từ 10-20 câu.
- Kết thúc trò chơi, nhóm nào có nhiều thành viên đoán chính xác nhất sẽ giành chiến thắng.
2. Một số lưu ý khi tổ chức các trò chơi tương tác trên lớp
Việc ứng dụng các trò chơi tương tác trên lớp giúp gia tăng hứng thú và tạo cơ hội ôn luyện tiếng Anh cho các em học sinh. Bên cạnh những lợi ích nhận được, thầy cô cần lưu ý thêm một số điểm sau đây để giúp tiết học diễn ra hiệu quả nhất:
- Trò chơi cần phù hợp với các kiến thức được truyền tải và đáp ứng mục tiêu bài học.
- Đối với những trò chơi mang tính thể lực cao, thầy cô cần đảm bảo an toàn cho học sinh.
- Thầy cô cần giải thích rõ luật chơi trước khi bắt đầu trò chơi, tránh việc học sinh thực hiện sai yêu cầu gây mất thời gian toàn bộ tiết học.
- Sự sáng tạo ở các trò chơi là cần thiết để hấp dẫn học sinh. Thầy cô nên áp dụng các trò chơi khác nhau cho mỗi buổi học để đảm bảo học sinh không cảm thấy nhàm chán.
3. Tổng kết
Trên đây là top 7 trò chơi tương tác trên lớp thú vị nhất mà FLYER muốn gợi ý đến thầy cô. Những trò chơi này đều có điểm chung là luật chơi đơn giản, dễ tổ chức và phù hợp với số lượng lớn người tham gia. Thầy cô hãy lựa chọn trò chơi phù hợp nhất với nội dung kiến thức cần truyền tải để những tiết học tiếng Anh được diễn ra vừa sôi nổi, vừa hiệu quả nhé!